Quốc hội phê chuẩn ông Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng GTVT

Sáng 9/4, Quốc hội chính thức phê chuẩn Phó ban Kinh tế T.Ư Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng Bộ GTVT thay ông Đinh La Thăng.

Trương Quang Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư vừa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT

Sáng 9/4, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Riêng với chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Quang Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư được đề cử để Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT thay người tiền nhiệm là ông Đinh La Thăng.

Trước đó, vào chiều 8/4, với 93,52% tổng số ĐBQH bỏ phiếu tán thành việc miễn nhiệm, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội, ông Đinh La Thăng vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT cho đến khi Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm nhân sự mới vào vị trí này.

Theo kết quả kiểm phiếu sáng 9/4, có 416/485 phiếu hợp lệ (chiếm 84,21% tổng số ĐBQH) tán thành việc đề cử ông Trương Quang Nghĩa để Quốc hội phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT. Như vậy, ông Trương Quang Nghĩa chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ông Trương Quang Nghĩa, sinh ngày 19/8/1958, quê quán tỉnh Quảng Nam. Ông có 16 năm công tác trong quân đội và 16 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại VINACONEX. Ông từng kênh qua các chức vụ: Tổng giám đốc VINACONEX, Phó bí thư thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ, Bí thư tỉnh Sơn La.

Tháng 5/2008, Ban Bí thư điều động ông Trương Quang Nghĩa từ vị trí Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2010, phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.

Tháng 9/2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tại Đại hội Đảng 11 tháng 1/2011, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tháng 6/2012, ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Tháng 3/2015, Bộ Chính trị điều động ông Trương Quang Nghĩa giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Hiện ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12.

Nguồn: Báo Giao thông

 

Tổng cục ĐBVN vừa có văn bản yêu cầu đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XIV

Tổng cục ĐBVN vừa yêu cầu các Sở Giao thông vận tải; Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV; Cục Quản lý xây dựng đường bộ; Cục Quản lý đường bộ cao tốc; Ban Quản lý dự án 3, 4, 5, 8 tăng cường bảo đảm trật tự, giao thông an toàn thông suốt góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục Quản lý xây dựng đường bộ và các Ban Quản lý dự án cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm giao thông trên đường bộ đang khai thác; không để xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do thi công công trình gây ra.

 Yêu cầu nhà thầu phải xây dựng phương án tạm ngừng thi công, hoàn trả mặt đường, tổ chức thi công gọn gàng, dứt điểm từng hạng mục; rà soát, bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn giao thông và thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; bố trí lực lượng thường trực (nhân lực, thiết bị) để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn, thuận lợi trong thời gian bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông và các cơ quan liên quan của địa phương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Đối các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải:  Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN về việc giải tỏa lòng, hè đường đảm bảo an toàn giao thông. Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chiếm dụng lòng đường, lề đường buôn bán làm cản trở giao thông.

Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; xử lý kịp thời các điểm đen mất an toàn giao thông; kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo giao thông, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông (nhất là các đoạn tuyến đang thi công trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 20 và các tuyến đường cửa ngõ vào các thành phố lớn); có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông; có các biện pháp nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao thông, các đoạn đường đèo dốc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, các tuyến đường quanh khu vực trường học, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông; tổ chức cảnh giới vào các giờ cao điểm tại các cầu chung đường sắt và đường bộ, đường ngang không có người gác mà lưu lượng phương tiện qua lại cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; có biện pháp khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trong khu vực quản lý.

Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, xử lý nghiêm các đơn vị thi công vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN khi xảy ra ùn, tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến đường trong khu vực được giao quản lý.

Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; chỉ dẫn phân luồng bảo đảm giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sở GTVT chỉ đạo các Ban QLDA trực thuộc nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thi công dự án nâng cấp, mở rộng do Sở làm Chủ đầu tư. Không để xảy ra ùn tắc giao thông và tình trạng gây mất an toàn giao thông do thi công.
 
 Tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách trong việc tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động vận tải, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải. Tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô chở khách ngay tại bến, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ô tô không bảo đảm điều kiện an toàn, người lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu, bia.
 
Đề nghị các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về bảo đảm an toàn giao thông trogn quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa XIV về Tổng cục ĐBVN trước ngày 28/3/2016.

Khánh Hồng
(duongbo.vn)

Toàn bộ các trạm thu phí trên cao tốc và quốc lộ phải sử dụng một công nghệ thu phí thống nhất

Sáng 15/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp thống nhất và triển khai công nghệ thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên toàn quốc.
 

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến 30/6 toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC, phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) và đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí. Việc triển khai và vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí này được Bộ GTVT lựa chọn từ Nhà đầu tư có năng lực là Công ty Cổ phần Tasco.

Hiện tại, trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, tuy nhiên hầu hết các trạm chưa triển khai làn ETC, các trạm đã triển khai hệ thống ETC lại sử dụng các công nghệ khác nhau (công nghệ DSRC sử dụng OBU và công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag). Do đó, việc tích hợp công nghệ, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, Bộ GTVT đã có kiến nghị với Chính phủ và được Thủ trướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm ETC theo công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ trên toàn quốc nhằm thống nhất một công nghệ (RFID) và khả năng liên thông giữa các trạm.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết,
tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã sẵn sàng cho việc lắp đặt hệ thống ETC

“Đối với các trạm thu phí đã triển khai theo công nghệ DSRC, cần nghiên cứu tích hợp với công nghệ RFID và dần chuyển sang công nghệ RFID, các trạm chuẩn bị triển khai thống nhất chỉ sử dụng công nghệ RFID theo định hướng chung của Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Ban PPP sớm giải quyết dứt điểm thủ tụ đầu tư; Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty CadPro xây dựng tiêu chuẩn ETC trình Vụ Khoa học công nghệ thẩm định; Công ty Cổ phần Tasco xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc mà Tasco phụ trách, đồng thời phối hợp với CadPro để thống nhất phương thức kết nối giữa các trạm thu phí.

Phùng Trọng

(mt.gov.vn)

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát lệnh thông xe Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 qua Bình Định và Gia Lai

Sáng nay 15/1, tại Km124+720 Quốc lộ (QL) 19, thuộc địa bàn xã Đăk Taley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn từ Km17+027 - Km50+000 tỉnh Bình Định và đoạn Km108+000 - Km131+300 tỉnh Gia Lai. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và cắt băng chính thức thông xe Dự án. Tham dự Lễ Thông xe còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bình Định, đại diện các địa phương có Dự án đi qua và các đơn vị tham gia thi công Dự án.
 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát lệnh thông xe Dự án đầu tư cải tạo QL19.

Phát biểu tại Lễ Thông xe, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng, đơn vị đầu tư và thi công dự án, cho biết QL 19 được đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp theo hình thức hợp đồng BOT có tổng chiều dài 56,7 Km với tổng mức đầu tư  2.045 tỷ đồng đi qua địa phận hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài hơn 33 km, có điểm đầu tuyến tại Km 17+027, kết nối vào quốc lộ 1, đoạn Km 1212+400 và Km 1265 thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và điểm cuối tại Km 50 thuộc địa phận xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai dài hơn 22,6 km, điểm đầu tuyến tại Km 108 thuộc địa phận huyện Đak Pơ, điểm cuối tuyến tại Km 131+300 thuộc địa phận huyện Mang Yang. Tuyến đường được xây dựng với qui mô đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang nền đường đoạn thông thường 12m (gồm thảm nhựa 11m và hai bên lề đất, mỗi bên rộng 0,5m), đoạn qua khu dân cư rộng 15m (gồm thảm nhựa 13m và rãnh dọc kín hai bên, mỗi bên 1m), tốc độ thiết kế 80Km/giờ, đoạn qua khu dân cư tập trung 60Km/giờ. Dự án nằm trong qui hoạch của Chính phủ về phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 với thời gian thi công 2 năm từ 12/2013 - 31/12/2015 và thời gian thu phí hoàn vốn 22 năm. Việc hoàn thành Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách cho hai tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung; là huyết mạch để giao lưu văn hóa giữa đồng bào Tây Nguyên và đồng bào vùng miền duyên hải.

Tổng giám đốc Tổng công ty 36 Nguyễn Đăng Giáp phát biểu

Theo lãnh đạo Tổng công ty 36, với vai trò vừa là chủ đầu tư (Dự án BOT QL 19) vừa là nhà thầu thi công, trong thời gian đầu triển khai Dự án Tổng công ty 36 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình thiết yếu do vấn đề lịch sử để lại trong quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông và hệ thống đường điện, nước sạch, nguồn vật liệu, cũng như xử lý một số vấn đề phức tạp về kỹ thuật trong quá trình thi công để đảm bảo mặt đường êm thuận và bảo đảm ATGT, như xử lý sụt lún, chống hằn lún vệt bánh xe  và vừa thi công vừa bảo đảm giao thông đoạn qua đèo MangYang (Km108+00-Km112+00) với địa hình đèo dốc quanh co, khối lượng đào đắp đất đá lớn (khoảng 300 nghìn mét khối), mật độ phương tiện đi lại dày đặc, không có đường tránh.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các đơn vị có thành tích.

Theo lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng Quốc lộ 19 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng thời tạo thuận lợi để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng và chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, Quốc lộ 19 sẽ cùng Quốc lộ 1 kết hợp thành 2 trục giao thông quan trọng để phát triển du lịch và thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại các vùng nguyên liệu, trung tâm công nghiệp, thương mại của các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên, kể cả Nam Lào, Đông Bắc Campuchia về Cảng Quy Nhơn và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cho khu vực hành lang kinh tế Đông – Tây.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng thông xe QL19.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các đại biểu  thực hiện nghi lễ gắn biển
cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn từ Km17+027 - Km50+000 tỉnh Bình Định

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã biểu dương Ban QLDA 5, Tổng Công ty 36 cùng đơn vị TVGS và các Nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng yêu cầu yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Vụ, Cục của Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với tỉnh Gia Lai, Bình Định tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Đức Toàn

(mt.gov.vn)

Additional information